THÁC LOẠN Ở LAS VEGAS: ÁC HOA TRONG LÒNG SA MẠC MẤT MÁT
- maik cây
- Jul 9, 2018
- 4 min read
Updated: Aug 29, 2018
Năm 1971, Mỹ quốc kết án tử Charles Manson, cuộc chiến Việt Nam leo thang, The Beatles vừa tan rã được một năm, Bob Dylan thẳng thừng đoạn tuyệt danh xưng “kẻ xướng ngôn của thế hệ” , tổng thống Richard Nixon tuyên bố phát động Cuộc chiến chống Ma túy: năm tháng định mệnh ấy, “Thác loạn ở Las Vegas” của Hunter S. Thompson ra đời. Được in thành một sê-ri 2 kỳ trên tờ Rolling Stone, phải đợi một năm sau, 1972, cuốn sách mới thành hình trọn vẹn dưới sự bảo trợ của nhà Random House.
Hơn cả một cuộc thác loạn, hơn cả một nỗi kinh sợ và ghê tởm, chuyến đi xé toạc đường biên cõi thực của Raoul Duke và Tiến sĩ Gonzo đi sâu vào lòng nỗi mất mát lớn lao trong sự đổ vỡ ý thức hệ nước Mỹ. Quá nhiều ma túy, quá nhiều bạo lực, quá nhiều những ảnh tượng hãi hùng cuồng điên, quá nhiều sự phun nhả tục tĩu, Hunter S. Thompson họa lại hành trình đeo đuổi Giấc mơ Mỹ bất khả của hai gã đàn ông không còn trẻ tuổi nhưng chưa đi qua nổi cơn váng vất từ bữa tiệc tinh thần của những năm 60. Bằng những nguyên liệu ảo diệu nhòe tan cả hiện thực và hư cấu, Thompson đã dọn ra một bữa trưa trần trụi cho độc giả qua thức tiểu thuyết ám chỉ dựa trên những trải nghiệm cá nhân của chính bản thân mình.

Với “hai túi cỏ, bảy mươi lăm viên mescaline, năm vỉ a-xít dạng viên giấy cực mạnh, một nửa lọ cocaine, và cả một thiên hà mĩ miều các loại thuốc lắc, thuốc rũ, thuốc cười, thuốc hét…”, tiến sĩ báo chí Raoul Duke và luật sư Gonzo lao mình đến thiên đường suy đồi Las Vegas để tường thuật cuộc đua mô tô sa mạc bão táp Mint 400, rồi sau đó, lại lạc vào Hội thảo Quốc gia các Ủy viên Công tố. Nhưng không có tường thuật thể thao hay chính trị nào được ghi lại, chỉ có một cuộc hóa thân vật vã của hai gã phá trời, men theo thứ minh triết của Samuel Johnson “Kẻ biến mình thành thú vật sẽ rũ được mình khỏi nỗi đau làm người”.
Một thế giới vốn nhè nhẹ rung chuyển theo những nhịp đập đời thường được bơm căng phồng, nứt toác ma túy ảo giác và ngật ngưỡng thoát thai thành một quái thú hoang dại. Những tiếp xúc con người trở thành những va chạm méo mó, những chiều kích của không gian và thời gian bị kéo căng cực đại, con quái thú ngấu nghiến không khoan nhượng mọi tiếp nhận ý thức và nhào nặn nên những tạo tác dị dạng như những bóng ma bước ra từ tranh của Hieronymus Bosch. Như một mũi tiêm gây tê, cơn điên thuốc giãy giụa dường như trở thành cứu rỗi cho những mảnh linh hồn đi lạc.
Song con người trót uống chén đắng của sự sinh tồn không có cách nào rũ được nỗi đau nhân bản. Trốn chạy trong mê cung của những tiếng khóc cười loạn trí, đeo bám con đường man dại tìm về trái tim của Giấc mơ Mỹ như đi tìm cứu chuộc tận cùng, nhưng sâu thẳm, Raoul Duke hoàn toàn thấu thị sự rã rời, bải hoải của “một thế hệ những kẻ què quặt vĩnh viễn, những người tìm kiếm chịu thất bại”. Ánh chớp dài rực rỡ, kỳ diệu của thập kỷ 1960 đã đến hồi vụt tắt, con sóng đẹp đã ngã mình xuống cát lạnh, cả một thế hệ đầu xanh tuổi trẻ từng tụng ca tình yêu và hòa bình đã cháy quá sáng để rồi chìm trôi vào vũng tàn tro. Chỉ còn lại một cuộc chiến lạnh lùng chất chứa xác những binh sĩ chết vì ma túy, những tin vắn ghê rợn về sự tự hủy hoại tuổi trẻ trong cơn mê của chất gây nghiện: cuộc sống phô bày sự sống sượng, nghiệt ngã của nền văn hóa đại chúng Mỹ đã đến hồi mục ruỗng.
Kỳ lạ thay, sự dấn thân bạo liệt của Raoul và Gonzo đã vượt thoát được bi kịch bằng cái cười: cuốn sách là cuộc ngụp lặn miên man trong cơn giễu nhại lại những biểu tượng của chủ nghĩa tiêu dùng, của sự thừa mứa vật chất phi lý, của Giấc mơ Mỹ tan vỡ, bất khả vãn hồi. Không chỉ là một hiện tượng báo chí – tiểu thuyết giật gân, “Thác loạn ở Las Vegas” là một kỳ quan du ký nặng mang cái đẹp dữ dội của đóa ác hoa nở giữa lòng sa mạc mất mát. Hunter S. Thompson bắt độc giả của mình phải cười, phải mếu, phải hét lên, phải hoảng sợ hay thậm chí văng tục. Những phản ứng mãnh liệt mà tác phẩm của ông mang lại không hề vô nghĩa – bạo lực ngôn từ là cách Thompson chọn để con người phải nhìn sâu vào bên trong mình, phóng chiếu những vấn đề cá nhân lên phông nền của thời đại đặng ngộ ra chân lý về cõi đời.
Xây dựng trên cái nền văn chương trần trụi đến rợn thần kinh của “báo chí Gonzo”, kết hợp cùng những minh họa kinh hoàng đặc sắc của Ralph Steadman, “Thác loạn ở Las Vegas” được ca ngợi như thánh kinh của thập kỷ ma túy tàn lụi, biểu tượng của nền phản văn hóa nước Mỹ. Đã hơn 40 năm kể từ khi ra đời, nhưng cuốn sách vẫn mang những giá trị hiện đại có tính xác tín cao, vẫn buộc độc giả phải ngoái nhìn một lịch sử giằng xé giữa chói lòa và tăm tối.
Về tác giả:
Hunter S. Thompson là nhà văn, nhà báo, một cây bút chiến lừng danh, biểu tượng của nền phản văn hóa Mỹ thập kỷ 60, 70. Ông nổi tiếng với cuộc đời đầy những trải nghiệm táo bạo, mở ra dưới những trang viết gây choáng váng và phong cách báo chí Gonzo do ông sáng tạo ra. Suốt đời theo đuổi những đề tài nóng hổi của xã hội Mỹ hiện đại, chìm đắm trong ma túy và rượu, luôn là một con người của hành động, nhưng đến cuối đời, mệt mỏi vì chống chọi với bệnh tật, ông tự tử ở tuổi 67.
Comments