KHÚC CA CỦA NHỮNG CHÚ CHIM
- maik cây
- Jul 24, 2018
- 12 min read
Updated: Jul 25, 2018
Ian Johnson
The New York Review of Books
Số ra ngày 29 tháng 09 năm 2016

Một tấm ảnh của Lưu Hiểu Ba - chủ nhân của giải Nobel Hòa Bình năm 2010 và vợ ông, Lưu Hà được chụp trước khi ông bị bắt vào tù vì tội danh “lật đổ chính quyền”. Lưu Hiểu Ba bị khép vào tội danh này và bị bắt giam sau khi tham gia viết Hiến chương 08, một tuyên ngôn kêu gọi “tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do học thuật” tại Trung Quốc. Bà Lưu Hà bị quản thúc nghiêm ngặt trong căn hộ của hai ông bà ở Bắc Kinh.
Ngày lại đêm,
Tôi chép Kinh Kim Cương
bát-nhã-ba-la-mật-đa
Chữ tôi viết đã thêm phần vuông vắn
Điều ấy xác tín rằng tôi chưa hoàn toàn
phát điên, nhưng cái cây tôi vẽ
chẳng mọc lên một chiếc lá nào.
- Trích bài thơ “Tôi chép Kinh”, từ tập Những chiếc ghế trống của Lưu Hà
Mỗi tháng, nhà thơ, nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ Trung Quốc Lưu Hà đều đón một chuyến tàu xuôi về miền Bắc đất nước. Mang theo thức ăn và sách vở, được bốn cảnh sát mặc thường phục ‘hộ tống’, bà đi đến nhà tù ở Dinh Khẩu, nơi chồng bà - nhà hoạt động đoạt giải Nobel Lưu Hiểu Ba, đang lãnh án cho tội danh lật đổ chính quyền. Lịch trình của bà ít khi thay đổi: dậy sớm để đón chuyến tàu buổi sáng, chút ít thời gian cho chuyến viếng thăm ngắn ngủi, rồi lại đón tàu về.
Trước kia, đi tàu thường mất sáu tiếng mỗi chiều, nhưng giờ Lưu Hà đi chỉ mất có ba tiếng. Ấy là nhờ sức mạnh và ý chí của chính quyền Trung Quốc: Đảng Cộng sản xây dựng những đường tàu cao tốc nhanh ngang việc bắt giữ những ai dám chống lại viễn kiến của họ về tương lai Trung Quốc. Đã ngoại ngũ tuần, giờ Lưu Hà trông chẳng khác gì những nạn nhân khác của chế độ: một người đàn bà nhỏ bé, mỏng manh với mái tóc cắt ngắn cụt lủn làm tôn lên đôi gò má cao và đôi mắt to, rực sáng.
Kể từ ngày chồng bà đoạt giải Nobel năm 2010, và lãnh án năm thứ nhất của án tù mười năm, Lưu Hà sống dưới sự giám sát chặt chẽ của công an Trung Quốc. Trong hơn ba năm, bà không được gặp bạn bè hay nhận dù chỉ một cuộc điện thoại. Những người thân thiết với Lưu Hà nói bà ngày càng mất cân bằng vì áp lực khủng khiếp này. Khi các nhà báo của hãng tin AP (Associated Press) lách được qua hàng rào công an và gõ cửa nhà bà vào năm 2012, Lưu Hà đã run lên, bật khóc và kể rằng tình cảnh của bà chẳng khác gì một câu chuyện của Kafka. Năm 2014, bạn bè thân thiết của bà thông tin cho báo giới rằng Lưu Hà đã phải nhập viện vì bệnh tim và trầm cảm.
Hiện giờ, bạn bè Lưu Hà cho biết bà đang dần phục hồi sức khỏe và dành toàn bộ tâm trí, thời gian cho việc đọc và viết. Trong khi chồng bà nổi tiếng vì những tiểu luận thẳng thắn, châm biếm và giàu tính thời sự, thì các tác phẩm Lưu Hà lại mất nhiều thời gian hơn để được biết đến – điều đó kể cũng không lạ đối với một nghệ sĩ bị cấm xuất bản và triển lãm ngay tại chính quê hương mình. Thế nhưng, những bài thơ và tác phẩm nghệ thuật của bà vẫn nổi lên như những tuyên ngôn lớn về cuộc đời con người dưới chế độ toàn trị, và càng ngày càng được nhiều độc giả quốc tế đón đọc, nhờ có bản dịch tập thơ mới của Lưu Hà, cũng như cuốn tiểu sử về cuộc đời chồng bà - một cuốn sách kể lại những chương rất lớn của cuộc đời bà. Hơn nữa, những bản dịch thơ của Lưu Hiểu Ba mới đây cũng làm sáng tỏ thêm vai trò then chốt của Lưu Hà trong cuộc đời ông trong suốt hai thập kỷ vừa qua.
Một vài bài thơ của ông được đưa vào tập Bi ca Lục Tứ - một cuốn sách dành để tôn vinh những nạn nhân của thảm sát Thiên An Môn ngày mùng 4 tháng 6 năm 1989. Phần cuối của cuốn sách có năm bài thơ dành riêng cho Lưu Hà, nhiều bài trong số đó được sáng tác trong quãng thời gian ra tù vào khám trước đó của Hiểu Ba, ví như bài “Tù nhân của Lòng tham”:
Yêu dấu
vợ anh
trong thế giới mỏi mệt này
với bao điều ác nghiệt
cớ sao em
lại chọn anh mà chịu truân chuyên
Đọc thơ Lưu Hà, chẳng nghi ngờ gì rằng bà đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ. Vài bài thơ trong tập Những chiếc ghế trống kể về mẹ chồng bà, người đã giành quyền thăm nuôi Hiểu Ba cho riêng mình trong suốt những năm 90. Trong bài thơ viết năm 1997, nhan đề “Một người mẹ”, Lưu Hà viết “chỉ có cách ghét tôi/ bà mới tỏ được tấm lòng đau đáu thương con.”
Kể từ đó, cái giá Lưu Hà phải trả còn kinh khủng hơn gấp nhiều lần một cuộc sống gia đình không êm ấm. Bà bị công an giám sát nghiêm ngặt 24/7, và chỉ được phép viếng thăm một nhóm nhỏ bạn bè khi được công an hộ tống. Mỗi tháng, bà có một tiếng để thăm chồng, và chỉ được phép nhìn thấy ông qua một tấm kính và nói chuyện với nhau bằng điện thoại. Anh trai bà bị kết án 11 năm tù vì một số tội danh kinh tế rất mơ hồ. Đây là một cú sốc với gia đình Lưu Hà, được bà kể lại trong bài thơ có nhan đề “Tuyết”. Thậm chí, khả năng sáng tạo nghệ thuật của bà dường như cũng bị hủy hoại bởi mối tình với Lưu Hiểu Ba. Trong một bài thơ vô đề sáng tác năm 2009, bà viết về sự vô tâm của chồng:
Anh yêu vợ và tự hào vì nàng luôn bên anh
dù trong tăm tối; anh để nàng làm điều nàng muốn, viết cho anh
cả sau khi chết, nhưng trong vần thơ nàng chẳng có một thanh âm. Chẳng có gì.
Thế nhưng thơ Lưu Hà không quẩn quanh nói về mối quan hệ của họ - và quả tình nhiều bài thơ của bà được sáng tác trước khi hai người cưới nhau. Những bài thơ viết sau này, có thể đọc nhiều bài như đọc tiểu sử, nhưng những bài thơ ấy cũng kể rộng hơn về niềm lo, nỗi ngóng và sự đợi chờ.
Ấn tượng nhất là ba hình ảnh được coi là những hình tượng mạnh mẽ nhất cho cuộc đấu tranh trường kỳ của những người bất đồng chính kiến Trung Quốc đòi nhân quyền: những con chim, những cái cây và những cái ghế. Chiếc ghế trống đã biểu tượng hóa Lưu Hiểu Ba – người ta đã dành cho ông một chiếc ghế trống tại lễ trao giải Nobel và chỉ một thời gian ngắn sau đó, nó đã trở thành biểu tượng của ông – một con người mà ngay cả cái tên cũng bị cấm trên đất Trung Quốc. Lưu Hà đã xây dựng hình ảnh cho người chồng xa vắng của mình từ những năm 90 khi ông còn ở trong tù. Trong bài thơ viết năm 1997 tựa đề “Cái bóng” được dành tặng “cho Hiểu Ba”, bà đã dùng cả ba phép ẩn dụ này để mô tả cảm giác mất mát của mình – không chỉ là mất chồng, mà còn mất biết bao năm tháng trong cuộc đời.
Một cái ghế và một điếu tẩu
đợi anh mòn mỏi.
Chẳng ai thấy anh đi xuống phố.
Trong mắt anh, một con chim đang bay,
quả xanh lủng lẳng trên cành nhánh một cái cây không lá –
từ buổi sáng ấy, hoa trái chối từ
chín lúc vào thu.
Trong những bài thơ trước đó, hình tượng con chim bí ẩn hơn – một bóng ma đến rồi đi như một nguồn cảm hứng của bà. Trong bài thơ viết năm 1983 nhan đề “Một con chim rồi lại một con”, khi bà vẫn đang là vợ của một người đàn ông khác, Lưu Hà viết:
Ngày ấy,
chúng mình luôn nói
về con chim. Chẳng biết rằng
nó đến từ đâu – con chim,
con chim – nó mang cho chúng mình
hơi ấm và tiếng cười.
Trong lời bạt cho cuốn Những chiếc ghế trống, nhà văn lưu vong Liêu Diệc Vũ viết hình ảnh chú chim chính là nàng Lưu Hà hay cười khúc khích và khá điên khùng của ngày xưa. Bà đã từng là một nhà thơ gây ấn tượng mạnh tới độ năm 1982, một nhà văn có tiếng như Liêu Diệc Vũ phải đi một chuyến đường dài mất 3 ngày trời từ Tứ Xuyên đến Bắc Kinh để gặp bà. Ông kể lại cuộc viếng thăm căn hộ của bà ở Bắc Kinh, một salon quen thuộc của những người tự do tư tưởng thời ấy:
Con chim tên Lưu Hà sống trong một căn phòng tựa chiếc lồng trên tầng hai mươi hai của tòa nhà Tây Du Lộ ở Bắc Kinh. Tôi đi từ Tứ Xuyên tới gặp cô và phải trèo cầu thang bộ vì thang máy hỏng. Từ khi tôi gõ lên cửa chiếc lồng con ấy, Lưu Hà chẳng lúc nào ngừng cười. Cằm cô choắt lại khi cô mỉm cười, và cô cười cứ như một chú chim, không kẻ nào giam giữ nổi… Cứ nói chuyện, rồi chúng tôi lại khúc khích chẳng vì lí do gì. Chúng tôi cười tới khi chảy cả nước mắt.
Hai người trở thành bạn thân, và tửu lượng của Lưu Hà khá tới độ Liêu Diệc Vũ gọi bà là “tửu sư phụ” của ông. Sau khi quen Lưu Hiểu Ba vào những năm 80, tửu lượng của bà lắm lúc khiến ông chồng không biết uống rượu phát điên, và Liêu Diệc Vũ còn kể lại cảnh Lưu Hà trêu đùa bắt chồng đóng vai hầu rót rượu cho bà.
Kể từ khi hai người dọn về sống chung đầu những năm 90, Lưu Hà và Lưu Hiểu Ba luôn bên nhau như hình với bóng. Vai trò quan trọng của bà trong cuộc đời ông được thảo luận kỹ lưỡng trong cuốn sách “Cổng sắt tới tự do” – tiểu sử về cuộc đời Lưu Hiểu Ba do nhà văn lưu vong Kiệt Vũ chấp bút. Kiệt Vũ – một tín đồ Cơ đốc giáo và nhà văn với những cuốn tiểu luận bán rất chạy hiện đang sống ở Washington, đã mất hàng năm trời để thu thập thông tin về vợ chồng Lưu Hà và Lưu Hiểu Ba trước khi ông rời Trung Quốc. Cuốn sách là tiểu sử đầy đủ duy nhất về Lưu Hiểu Ba, vẽ nên chân dung một con người phức tạp, đa chiều – hết lòng vì công cuộc đổi mới chính trị, giàu lý tưởng, và có tinh thần tự phê bình không khoan nhượng, nhưng đồng thời cũng là một người lăng nhăng, sống vô tình với người vợ đầu và hay liều lĩnh. Một điều có thể thấy rõ từ cuốn sách, đó là sự trưởng thành Lưu Hiểu Ba có được là nhờ một phần rất lớn vào mối quan hệ với Lưu Hà.
Trong những chương sách đầy màu sắc và trần thuật sát sao này, chúng ta có thể quan sát được những lề thói cuộc sống hàng ngày của đôi vợ chồng Lưu Hà và Lưu Hiểu Ba. Một trong số ấy là việc ăn uống – họ dường như có khoái cảm ẩm thực vô hạn – thường xuyên lái xe vòng quanh Bắc Kinh để thưởng thức đồ ăn ở những nhà hàng Tứ Xuyên hoặc Hoài Dương ưa thích của hai người. Kiệt Vũ mô tả những món ăn ưa thích của họ - những món ngon được hai vợ chồng uống kèm rượu vang (Lưu Hà) và Coca (Lưu Hiểu Ba). Lưu Hà vốn dĩ nấu ăn rất giỏi và bà thường sục sạo các cửa hàng thực phẩm ngoại quốc tại Bắc Kinh để kiếm nhưng nguyên liệu hiếm cho những bữa tiệc tại gia nấu cho bạn bè.
Hai người gặp nhau lần đầu vào những năm 80, nhưng chỉ thật sự thân thiết sau sự kiện Thiên An Môn. Năm 1995, Lưu Hiểu Ba bị bắt giam vì viết một lá thư kêu gọi quyền cơ bản cho con người và ông chính thức bị kết án ba năm tù giam vào năm 1996. Lưu Hà thường xuyên thăm viếng ông ở trại lao động cải tạo và bà thường nói với lính canh ở đây một câu mà giờ đã thành huyền thoại: “Tôi muốn cưới kẻ thù của Nhà nước!” Và quả thật bà đã thực hiện lời mình nói khi Hiểu Ba vẫn còn ở trong tù. Đám cưới của họ được tổ chức ngay tại căng tin nhà tù.

Lưu Hà: tấm ảnh vô đề chụp một con búp bê trong loạt ảnh Những em bé xấu xí, 1996 – 1999
Trở về Bắc Kinh, ngày nào bà cũng viết cho ông một tấm bưu thiếp để kể về tình yêu của bà. Không thể gửi đi những tấm bưu thiếp ấy, bà dán chúng lên tường, và khi Lưu Hiểu Ba trở về, ông đã thấy hơn một nghìn bưu thiếp dán kín quanh những bức tường căn hộ.
Hai người chỉ có chín năm chung sống đời vợ chồng. Năm 2008, hàng trăm trí thức hàng đầu Trung Quốc đã ký vào một tài liệu có tên Hiến chương 08, một văn bản học tập theo Hiến chương 77 và gợi nhắc tới cuộc đấu tranh của nhân dân Czechoslovakia chống lại chính quyền Soviet được thành lập cưỡng bức – một trường hợp điển hình cho phong trào đấu tranh vì dân quyền cơ bản. Hiến chương 08 (được công bố vào ngày 15/01/2009) kêu gọi tự do, nhân quyền, bình đẳng, chủ nghĩa cộng hòa, dân chủ và luật Hiến pháp. Ban đầu, có hơn 350 người ký vào tài liệu này. Nhiều người trong số đó đã ký vì biết Lưu Hiểu Ba là đồng tác giả của Hiến chương. Sự tham gia của Lưu Hiểu Ba đã làm cho tài liệu này thật sự đáng tin và được biết đến rộng rãi.
Đối với Lưu Hà, bà chẳng hề hứng thú với những điều như vậy. Là một người vô chính phủ hơn là một người theo phe dân chủ, bà ít khi đọc những thứ chồng viết. Kiệt Vũ nhắc lại lời bà nói: “Nhưng khi sống với một người như vậy, cho dù không quan tâm tới chính trị, thì cũng bị chính trị quan tâm.” Bản năng chính trị của bà đã mách bảo đúng khi Lưu Hiểu Ba bị bắt. Bạn bè họ dự đoán Hiểu Ba sẽ sớm được thả, nhưng Lưu Hà nghĩ sẽ phải là cái án mười năm. Bà chỉ đoán thiếu đúng một năm.
Dù là người hài hước, lạc quan, nhưng áp lực đè lên đôi vai Lưu Hà vẫn quá lớn. Kiệt Vũ kể bà phải chịu đựng chứng mất cân bằng hormone, mẩn ngứa, mất ngủ kinh niên và phụ thuộc nặng vào thuốc và rượu để ngủ được: “Hai tù nhân, một sống trong cái khám hữu hình, một sống trong cái khám vô hình.”
Trải qua bao xáo động, thơ Lưu Hà vẫn khúc chiết, mạch lạc và bám rễ vào cuộc sống hàng ngày – một điều vô cùng khác biệt so với những ý tưởng vĩ mô của chồng bà, hay sự ngạo nghễ của trường phái “Mông lung thi” vốn rất phổ biến ở Trung Quốc và hải ngoại trong những năm 80. Trong lời bạt cuối cuốn Những chiếc ghế trống, các dịch giả Minh Địch và Jennifer Stern đã giúp chúng ta phần nào hiểu thêm vị trí của Lưu Hà trong thế giới văn chương vốn dĩ rất phức tạp của Trung Quốc. Họ đã chỉ ra rằng, mặc dù Lưu Hà hâm mộ Sylvia Plath, nhưng như nhiều nhà thơ Trung Quốc khác, bà không hề viết thơ để bộc bạch, mà chủ yếu các bài thơ của bà được truyền cảm hứng từ nhiều tiểu thuyết, thường kể lại các câu chuyện hay sáng tạo lại truyện dân gian.
Kể cả trong những bài thơ sau này của Lưu Hà, hình tượng con chim và cái cây vẫn chiếm ưu thế. Trong bài thơ cuối cùng của cuốn sách, viết ngày 12 tháng 12 năm 2013 có nhan đề “Làm sao mi đứng?”, bà viết:
Có phải mi là một cái cây ?
Là tôi, cô độc.
Có phải mi là một cây mùa đông?
Lúc nào chẳng vậy, suốt tháng quanh năm…
Làm cây cả đời chẳng mệt mỏi sao?
Kể cả khi kiệt sức, tôi vẫn còn muốn đứng.
Liệu có ai bầu bạn với mi?
Có lũ chim.
Nào ta có thấy chúng đâu.
Hãy lắng nghe tiếng cánh chấp chới.
Vẽ chim trên cành chẳng đẹp lắm sao?
Tôi già quá và đã mù lòa, nào đâu thấy chúng.
Mi chẳng biết vẽ một chú chim như thế nào, phải không?
Vâng. Tôi chẳng biết.
Mi chỉ là một cái cây già ngốc nghếch.
Vâng ấy chính là tôi.
Đọc những dòng ấy, nhà văn lưu vong Liêu Diệc Vũ thiết tha mong Lưu Hà lại một lần nữa trở thành chú chim ngày xưa, và cất cánh bay đi – bằng cách nào đó hãy trốn khỏi Trung Quốc như ông đã từng làm bằng cách đi bộ qua biên giới phía Nam đất nước để đến với tự do. Nhưng ông biết bà không làm nổi việc đó :
Cô chẳng thể nào rời tổ - Lưu Hiểu Ba không được đi đâu, thì cô cũng không. Cô đã từ một con chim biến thành một cái cây, lông vũ của cô đã bạc màu và xơ xác. Nhưng dù là một cái cây, cô vẫn hát khúc ca của những chú chim.
* Một năm sau bài viết này, Lưu Hiểu Ba qua đời vì căn bệnh ung thư gan vào ngày 13 tháng 07 năm 2017. Có rất nhiều nghi vấn về cái chết bí ẩn của ông. Lưu Hà được chính quyền Trung Quốc cho phép rời đất nước để "trị bệnh" vào ngày 10 tháng 07 năm 2018, chỉ vài ngày trước giỗ đầu của chồng bà. Dưới đây là hình ảnh tràn ngập hạnh phúc và rất cảm động của Lưu Hà khi bà đáp xuống sân bay Helsinki trên đường tới Berlin. Sau bao trầm luân, con chim nhỏ Lưu Hà, có lẽ, lại một lần nữa được cất cánh bay.

Link gốc bài viết: https://www.nybooks.com/articles/2016/09/29/liu-xiaobo-songs-birds/
Comments